Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Phú, không ngừng được cải thiện, bộ mặt phum sóc cũng đổi thay tích cực. Đó là kết quả từ cách làm sáng tạo trong việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho vùng có đông đồng bào Khmer và đặc biệt là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đời sống của bà con không ngừng phát triển.
Chúng tôi đến xã Long Phú, là xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm tỷ lệ hơn 72% dân số toàn xã. Những năm trước đây, đời sống của bà con còn khó khăn, chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, diện mạo của xã và đời sống của bà con Khmer hôm nay đã có sự thay đổi và chuyển biến rất tích cực. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư khá đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn được xây dựng hoàn chỉnh kết nối từ xã đến các ấp, từ xã đến trung tâm huyện và các địa phương khác; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được nâng cấp, xây dựng khang trang; hệ thống hạ tầng điện nông thôn được đầu tư đảm bảo trên 99% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn,.. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước được hình thành và nhân rộng, bà con Khmer biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sản xuất theo hướng hữu cơ và hình thành hợp tác xã nông nghiệp, chuyên sản xuất lúa, để liên kết tiêu thụ với công ty, doanh nghiệp từ đầu vào đến đầu ra; quy hoạch vùng nuôi tôm bền vững; triển khai tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Dự án, Đề án quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh như: Dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò, Dự án Cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025. Ông Thạch Phước Thân, hộ đồng bào Khmer sống tại ấp Nước Mặn II, xã Long Phú, phấn khởi nói: “Diện mạo làng quê hôm nay thay đổi rất nhiều, không còn con đường lầy lội như trước, mà thay vào đó là con đường nhựa, bê tông hóa, hai bên đường có trồng hoa, cây xanh, sạch, đẹp, việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân rất thuận tiện, đời sống vật chất của người dân được nâng lên, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, nên đời sống của người dân ngày càng phát triển, thu nhập của bà con ngày càng nhiều hơn; không còn hộ đói, mà hộ giàu ngày càng nhiều hơn”.

Đời sống của đồng bào Khmer xã Tân Hưng ngày càng phát triển.
Chúng tôi về thăm xã Tân Hưng, là địa phương có gần 60% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Những năm trước đây, tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng giao thông, y tế còn hạn chế, trường học chưa được đầu tư đạt chuẩn. Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhất là việc triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình, dự án, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trường học khang trang và đầu tư nhiều công trình quan trọng khác. Qua đó, tạo điều kiện thuận tiện trong giao thương hàng hóa và đi lại cho người dân nông thôn, diện mạo nông thôn chuyển biến mạnh mẽ, sạch đẹp. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã giúp cho đời sống của bà con nơi đây ngày càng phát triển, hộ dân có điện sử dụng đạt gần 100%, trên 68% hộ gia đình sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia, thu nhập bình quân trên đầu người năm 2024 đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Qua rà soát, điều tra, hiện nay xã chỉ còn 21 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,77%, 65 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,37%; nhà kiên cố, khang trang ngày càng nhiều, không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Khmer xã Long Phú ngày càng khang trang
Để chăm lo cho cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn, nhất là đồng bào Khmer, đồng chí Thạch Thị Kiều Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, định hướng: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con trong việc nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn sản xuất, hỗ trợ mô hình làm ăn hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ cây giống, con giống tạo điều kiện phát triển sản xuất; thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề, cung cấp kiến thức để bà con áp dụng vào thực tiễn, tạo ra thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Ông Thạch Hoàng Tha, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo, huyện Long Phú, ghi nhận: “Huyện Long Phú đã kịp thời triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm ưu tiên đến đời sống, chăm lo phát triển về mọi mặt kinh tế, văn hóa – xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 03 năm triển khai thực hiện Chương trình, với tổng phí trên 62,5 tỷ đồng. Trong đó xây dựng 28 công trình giao thông tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn; duy tu, sửa chữa 10 công trình giao thông; hỗ trợ 165 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số với 370 con bò sinh sản, để phát triển kinh tế gia đình, từ đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể, hiện nay số hộ đồng bào Khmer nghèo giảm chỉ còn 153 hộ, chiếm 2,21%, trên tổng số hộ đồng bào Khmer trong huyện”.

Vươn lên từ dự án hỗ trợ nuôi bò sinh sản của Nhà nước
Đồng chí Lê Thanh Phương, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú, cho biết: “Huyện Long Phú xác định công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, do đó, huyện tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quá triệt và cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, Pháp luật của Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, giáo dục truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức vươn lên để giảm nghèo bền vững, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đã và đang triển khai trên địa bàn huyện, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chương trình, chính sách dân tộc, … với mục đích nhằm từng bước đem lại cuộc sống ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, phồn vinh cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Sóc Ca.